Thông thường, trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên khi được 6-7 tháng tuổi và hoàn thiện 20 chiếc răng sữa khi được khoảng 3 tuổi. Cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý và kiến thức cần thiết để không quá bỡ ngỡ và lo lắng cho bé. Rất nhiều mẹ nhầm lẫn trẻ sốt mọc răng với sốt bệnh lý nên không có sự can thiệp kịp thời dẫn đến sức khỏe bé bị ảnh hưởng.

1/ Triệu chứng khi trẻ sốt mọc răng

Ngoài sốt, trẻ mọc răng thường đi kèm với nhiều dấu hiệu như: Bé chảy nhiều nước dãi, ngứa răng nên thích “gặm nhắm” mọi thứ, quan sát thấy lợi bé có biểu hiện bị sưng đỏ, có hiện tượng sốt nhẹ không quá 39 độ C, đôi khi bé bị tiêu chảy. Sau khoảng 2-3 ngày những chiếc răng sẽ bắt đầu nhú lên và cũng là thời điểm dấu hiệu sốt giảm dần rồi mất đi.

Lưu ý dành cho mẹ: Theo khuyến cáo của Viện nhi khoa Mỹ, tất cả trường hợp trẻ sốt trên 39 độ đều không nên quy kết cho bất cứ vấn đề gì về răng, bao gồm cả sốt do mọc răng. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, mẹ nên tìm cách hạ sốt cho bé ngay lập tức. Nếu không có dấu hiệu giảm sốt, nên đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Triệu chứng trẻ sốt mọc răng

Trẻ sốt mọc răng thường đi kèm với những dấu hiệu mọc răng như: Bé chảy nhiều nước dãi, ngứa răng, nưới sưng đỏ

2/ Mẹo phòng ngừa sốt do mọc răng

Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của mỗi bé, đa số bé sẽ bị sốt khi mọc răng nhưng cũng có bé không hề bị sốt mà chỉ có một vài dấu hiệu sắp mọc răng. Để giúp hạn chế đến mức tối đa khả năng bé bị sốt mẹ có thể dùng những mẹo dân gian đơn giản sau.

Dùng lá hẹ

Theo kinh nghiệm dân gian, khi trẻ được 3 tháng tuổi mẹ hãy dùng lá hẹ để rơ nướu cho bé, dùng 9 lá cho bé gái và 7 lá cho bé trai. Cách thực hiện rất đơn giản, mẹ chỉ cần dùng một ít lá hẹ tươi, giã nát lấy nước. Lá hẹ có mùi hơi hăng, nếu bé không chịu được thì mẹ có thể hấp cách thủy. Sau khi đã lấy nước cốt lá hẹ, mẹ dùng đồ rơ lưỡi để thấm nước rồi nhẹ nhàng thoa đều lên nướu của bé. Dùng cách này khi mọc răng bé sẽ không sốt hoặc chỉ bị sốt nhẹ.

Nước đậu xanh

Nhiều mẹ thường truyền tai nhau về công thức dùng nước đậu xanh để giúp trẻ không bị sốt khi mọc răng. Sau khi sinh được 100 ngày, mẹ hãy dùng 100 hạt đậu cán vỡ làm đôi, cho vào nồi đun với nước. Không cần đợi đến khi đậu nhừ, chỉ cần sôi một lúc rồi dùng nước này để rơ lợi cho bé. Mẹ hãy nhớ làm đúng ngày bé được 100 ngày tuổi (3 tháng 10 ngày) mới có hiệu quả.

Cho bé ăn quả na

Nhằm giúp bé không bị sốt trong suốt thời kỳ mọc răng, mẹ nên thường xuyên cho bé ăn na. Khi cho bé ăn mẹ nên lựa chọn loại quả to, nở gai, bóc thành từng múi nhỏ và loại bỏ phần hạt. Lúc này bé chưa thể nhai nên mẹ hãy dầm nhuyễn hoặc cho bé ăn phần nước đều được.

3/ Gợi ý cách giúp bé giảm đau khi mọc răng

Nhìn thấy bé yêu bị đau, khó chịu làm mẹ cũng không yên lòng. Vì vậy, để giúp bé vượt qua giai đoạn này mẹ hãy giúp bé bằng cách sau:

- Tắm bằng nước ấm sẽ giúp trẻ bình tĩnh và quên đi phần nào cảm giác đau nhức.

- Khi răng mới nhú lên trẻ rất thích “gặm” mọi thứ để giảm bớt sự khó chịu khi ngứa nướu. Lúc này, mẹ hãy cho bé ngậm ty lạnh hoặc các đồ chơi chuyên dụng dành cho trẻ mọc răng. Sự mát lạnh tỏa ra từ đồ chơi có công dụng giảm đau cho bé.

- Để tiện lợi hơn mẹ có thể dùng một chiếc khăn sạch, vải bông mềm cho vào tủ lạnh. Sau đó cho bé “gặm” thoải mái vừa giúp bé không quấy khóc vừa giúp giảm đau hiệu quả.

- Ngón tay mềm mại của mẹ có thể xoa dịu cơn đau bằng cách mat-xa nhẹ nhàng phần lợi cho bé cưng.

- Cho bé ăn các món mềm như cháo, canh để bé không phải nhai nuốt nhiều.

Trẻ sốt mọc răng

Cho bé ngậm núm ty lạnh hoặc đồ chơi chuyên dụng để giảm khó chịu

4/ Những điều cần tránh

- Cho bé sử dụng thuốc người lớn, dù đã chia nhỏ liều dùng. Chỉ cho bé dùng thuốc hạ sốt nếu bé sốt cao liên tục trên 38,5 độ C.

- Giảm nhiệt độ phòng quá thấp: Khác với suy nghĩ của nhiều mẹ, hạ nhiệt độ phòng sẽ không giúp bé hạ sốt hay cảm thấy dễ chịu hơn. Tốt nhất, nên duy trì nhiệt độ phòng từ 25-27 độ C, tránh trường hợp bé bị cảm.

- Để giúp bé giảm khó chịu khi mọc răng, mẹ có thể cho con ngậm ty lạnh hoặc đồ chơi chuyên dụng cho bé mọc răng. Tuy nhiên, tuyệt đối không bọc viên nước đá trong vải mỏng đưa cho trẻ ngậm, hoặc cho bé ngậm trái cây đông đá. Bé có nguy cơ bị nghẹn hoặc hóc nếu chẳng may nuốt trọn viên đá hay miếng trái cây.

Nguồn: marrybaby.vn